Long An: Xử lý dứt điểm nuôi tôm ngoài quy hoạch

Thời gian qua, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An có rất nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ chân trắng không đúng quy hoạch, gây tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này, tỉnh Long An sẽ tập trung xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Vừa qua, tại buổi họp báo để thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2024 do UBND tỉnh Long An tổ chức, Phóng viên Báo TN&MT đã đặt câu hỏi với các ngành chức năng tỉnh Long An: “Trước tình trạng càng cấm càng nuôi, các ngành chức năng và địa phương quản lý, xử lý việc nuôi tôm ngoài quy hoạch như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình sản xuất, cũng như công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn”?

tom-1.jpg
Diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch không ngừng tăng

Giải đáp về vấn đề trên, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: Tính đến tháng 9/2024, tổng diện tích đất để nuôi tôm thẻ tại 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An có khoảng 591,7 ha với tống số 1.466 ao nuôi. Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống ao nuôi của các hộ đạt yêu cầu kỹ thuật để nuôi tôm thẻ khoảng 79%; không đạt yêu cầu 16%; số hộ đang rà soát 5%. Đất nuôi tôm này có nguồn gốc từ đất lúa, ao ương cá tra, đất thủy sản và các loại đất kháctrong đó, diện tích đất nuôi tôm được đào mới từ đất lúa chiếm khoảng 37%; từ ao ương cá tra chiếm trên 44%, phần lớn cũng có nguồn gốc từ đất lúa; và đất nuôi trồng thủy đã được chuyển mục đích sử dụng đất khoảng gần 5ha.

Về thời gian nuôi, bắt đầu từ năm 2009, huyện Tân Hưng đã xuất hiện 01 hộ nuôi tôm với diện tích 02 ha, đến tháng 9/2024, số hộ tăng dần lên 362 hộ với diện tích 591,7 ha. Trong giai đoạn 2022 – 2024, số hộ đào ao, chuyển sang nuôi tôm thẻ giảm so với thời gian trước do UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí đầu tư cao, giá tôm thương phẩm giảm mạnh, người dân nuôi tôm đa số bị lỗ.

Trong 9 tháng đầu 2024, nhiều ao nuôi bị treo, ngưng nuôi nhiều, tỉ lệ chiếm khoảng trên 50%. Về công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, tổng số hộ nuôi bị lập biên bản vi phạm hành chánh là 173 hộ, đã xử phạt 32 hộ số tiền 503,8 triệu đồng với hành vi vi phạm khoan giếng và chuyển mục đích đất trái phép. Hiện còn 3 huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường đang tiếp tục rà soát xử lý vi phạm về khoan giếng và chuyển mục đích đất sử dụng nuôi tôm.

tom-2.jpg
Long An sẽ tập trung xử lý tình trạng nuôi tôm tự phát trong thời gian tới

Cũng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, trước thực trạng nêu trên, Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không phát triển thêm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; rà soát, thống kê số liệu nuôi và công tác xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh Long An trong công tác chỉ đạo. Riêng với Sở TN&MT có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, xử lý trong việc chuyển đổi từ đất lúa sang đào ao nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm và hoạt động xả thải ra môi trường không đúng quy định.

Về hướng xử lý theo lộ trình cụ thể đối với những trường hợp chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi tôm, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm phát sinh từ năm 2023 đến nay thì xử lý vi phạm đất đai theo đúng quy định của pháp luật; trong đó, buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Còn với tất cả các hộ nuôi còn lại, có thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi tôm, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm phát sinh từ trước năm 2023 thì địa phương chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân tự trám, lấp giếng, ao và tiến hành phân theo từng trường hợp cụ thể để đảm bảo xử lý vi phạm dứt điểm đến ngày 31/12/2029 không còn trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

Trước đó, để quản lý việc sử dụng đất trong nuôi tôm thẻ chân trắng một cách chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, ổn định, bền vững, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và không phá vỡ quy hoạch, hạn chế tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp của tỉnh; UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành Văn bản yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nghiêm túc thực hiện việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng tại khu vực trên địa bàn; trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trong việc để người dân sử dụng đất không đúng mục đích…