Nhiều tranh luận về cơ chế trao đổi các-bon toàn cầu

Trong tuần làm việc đầu tiên của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan, các cuộc đàm phán về thị trường các-bon toàn cầu theo Điều 6 Thỏa thuận Paris vẫn đang có nhiều tranh luận xung quanh các nội dung để vận hành đầy đủ thị trường trong thời gian tới.

Thế giới đã mất 10 năm đàm phán về thị trường các-bon toàn cầu, và năm nay, Hội nghị COP 29 đã có bước đột phá quan trọng đầu tiên. Đại diện 191 quốc gia đã đạt đồng thuận về một bộ quy tắc chung cho các tín chỉ các-bon được tạo ra và trao đổi theo cơ chế quy định tại Điều 6.4 của Thoả thuận Paris.

Cụ thể, đây là cơ sở để bắt đầu xác định chi tiết các loại dự án và hoạt động giảm phát thải có thể tạo ra tín chỉ các- bon theo Điều 6.4, đáp ứng theo tiêu chuẩn toàn cầu được Liên Hợp quốc chấp thuận. Các ngân hàng trên thế giới có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường các-bon với vai trò là người mua tín chỉ.

z6039318445525_ca46422b453a273d03521cf072ae8980.jpg
Phiên đàm phán về thị trường các-bon tại Hội nghị COP 29

Theo Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev, việc vận hành cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon toàn cầu này sẽ giúp giảm chi phí thực hiện mục tiêu giảm phát thải tại các quốc gia xuống còn 250 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, đồng thời, tăng cường mỗi quan hệ hợp tác sâu rộng hơn giữa các quốc gia phát triển và nhóm các quốc gia đang phát triển.

Một cơ chế đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch dưới sự giám sát của Liên Hợp quốc cũng sẽ thúc đẩy các hành động khí hậu với mục tiêu cao hơn.

Tiếp nối thành công ban đầu đó, trong buổi chiều ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị COP29, Ban bổ trợ khoa học Công nghệ (SBSTA) đã ban hành bản dự thảo quy định, phương thức và thủ tục thực hiện của cơ chế 6.4 liên quan đến hoạt động chấp thư phê duyệt, hệ thống đăng ký, chia sẻ với quỹ thích ứng… và yêu cầu tổ chức họp tham vấn các bên. Tuy nhiên, đại diện các quốc gia như Brazil, Philinpines, EU, USA và các nước khác cho rằng cần có thêm thời gian nghiên cứu và tham vấn về các nội dung tại bản dự thảo. Phiên họp tương tự về dự thảo cơ chế hợp tác theo Điều 6.2 cũng phải thực hiện hoãn họp theo yêu cầu của các quốc gia. Rõ ràng là vẫn còn rất nhiều thử thách đối với UNFCCC và các quốc gia trong việc đạt được sự thống nhất với các nội dung chi tiết của Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Sang ngày thứ 5 của COP29, các bên vẫn không đạt được tiến triển nào sau nhiều giờ đồng hồ tranh luận. Đến cuối ngày, mới chỉ có phiên tham vấn cho Điều 6.8 – cơ chế phi thị trường, đạt được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia.

Sức ép về thời gian kết thúc đàm phán cho bản dự thảo trong tuần đầu tiên ngày càng lớn. Đoàn chủ tịch COP29 đã nỗ lực cân bằng quan điểm của các bên về điều 6.2 trong bản dự thảo của Chủ tịch SBSTA với hi vọng có thể được thông qua tại phiên họp CMA vào tuần thứ 2 của COP29.

Qua diễn biến các buổi đàm phán về Điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận Paris, các nước EU, Vương quốc Anh, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản chưa thể hiện vai trò động lực thúc đẩy cho việc thông qua các quyết định quan trọng tại COP29 trong năm nay, trước mắt là đối với với cơ chế thị trường các-bon toàn cầu.

z6039253236025_dcfc8484d9294cfe0b0b3cc2629ef374.jpg
Đại diện Đoàn Việt Nam tham gia phiên đàm phán về thị trường các-bon

Trong hai ngày cuối tuần, các cuộc tham vấn chính thức và không chính thức về cơ chế theo Điều 6.2 và 6.4 tiếp tục diễn ra và khả năng sẽ còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ đang đặt rất nhiều câu hỏi về khả năng thành công của COP29.

Trong một sự kiện bên lề tại COP29, Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đã thừa nhận sự khó khăn trong năm nay khi có sự thay đổi chính trị lớn theo hướng không có lợi cho đàm phán khí hậu tại các quốc gia như Vương quốc Anh, Nhật Bản và Mỹ. Mặc dù vậy, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng, các thay đổi định kỳ và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực của nhóm ngân hàng phát triển đa phương đối với các hoạt động tài trợ chống biến đổi khí hậu. Các bên vẫn phải tiếp tục thúc đẩy để đạt được thành tựu mới tại kỳ họp COP29 này.

Hiện, vẫn chưa có đánh giá rõ ràng cơ chế thị trường các-bon toàn cầu sẽ tác động như thế nào trong dài hạn với thị trường các-bon tự nguyện. Khác với các nhận xét dè dặt trong các kỳ họp COP gần đây, hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí đều đánh giá cao thành tựu này, mặc dù các Bên vẫn chưa đưa ra đầy đủ yếu tố vận hành thị trường theo Điều 6.4. Các Bên sẽ tiếp tục đàm phán trong tuần làm việc thứ hai của COP 29.