Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng những món ăn dân tộc đặc sắc, Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc.
Ngày nay, sự phát triển của nông nghiệp tự nhiên, nông sản an toàn và hiệu quả kinh tế đang là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân (với 70% là phụ nữ) áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.
Với cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ cùng những món ăn dân tộc đặc sắc, Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung là một trong những điểm du lịch được yêu thích nhất khu vực Tây Bắc.
Là huyện miền núi nằm trên cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc với độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, Mộc Châu có điều kiện thích hợp để trồng các loại rau, củ, quả ôn đới. Diện tích rau an toàn trên địa bàn huyện hiện đạt khoảng 100ha; trong đó có 40 ha được cấp chứng nhận VietGAP và được trồng chủ yếu tại xã Mường Sang, thị trấn nông trường Mộc Châu.
Chúng tôi có dịp đến thăm Công ty Cổ phần GreenFarm Mộc Châu tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Trên những cánh đồng và vườn ươm là những trái cà chua chín đỏ mọng, những luống rau xanh ngắt đang được thị trường đón nhận và đánh giá cao.
Đưa chúng tôi đi thăm quan khu vực nhà lưới chuyên sản xuất rau chất lượng cao, anh Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty hiện có vùng sản xuất cà chua, bắp cải là 8 ha, cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 200 tấn cà chua.
Trong đó, chủ yếu là cung cấp cho các hệ thống siêu thị như Vinmart, Big C, Lotte và Aeon. Được sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án GREAT do chính phủ Australia tài trợ cùng sự hợp tác của các đối tác khoa học và chính quyền địa phương, Công ty đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các hộ nông dân để có được quy trình trồng, sản xuất, sơ chế rau đạt tiêu chuẩn như hiện nay.
Công ty đang trồng và cung cấp 32 sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap cũng như các loại giống ghép mang lại chất lượng và hiệu quả cao. Trong đó có cà chua, bắp cải, cải Kale, măng tây có sản lượng trên 1.000 tấn/năm, doanh thu bình quân 7 – 8 tỷ đồng.
Để sản xuất các lứa rau sạch, bà con tiến hành canh tác theo quy trình nghiêm ngặt. Ngay từ khâu chuẩn bị đất, ngoài làm đất tơi xốp, bà con còn thu gom các loại rác thải, lá cây, cỏ dại trên ruộng sau đó bón lót phân NPK phía dưới. Phân được bón cách nhau khoảng 20 ngày. Trong suốt quá trình trồng, người trồng thường xuyên làm cỏ trên các luống rau.
Vào những ngày không mưa, người trồng sẽ tưới đều đặn 2 lần vào sáng sớm vào chiều. Khi phát hiện sâu bệnh, người trồng xử lý bằng cách phun các loại thuốc trong danh mục được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của tỉnh quy định với quy cách và liều lượng cho phép.
Sau khi thu hoạch, rau được chuyển về khu vực để hàng thô và sơ chế. Tại đây, người dân loại bỏ lá già, úa vàng và làm sạch phần đất cát còn bám dính trên bề mặt. Nước dính ướt trên bề mặt rau cũng được lau khô, dán tem và gối lại bằng giấy. Thực hành canh tác rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên sẽ được cấp mã số riêng để hàng xuất bán có thể truy xuất nguồn gốc. Rau được thu hoạch, sơ chế rồi đóng gói cẩn thận nên vẫn giữ được độ tươi.
Sự phát triển từ mô hình nông nghiệp du lịch tại hộ gia đình cho đến mô hình tại trang trại tại một số địa phương cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương.
Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.
Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực khi gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để đẩy mạnh mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả hơn nữa thì cần phối hợp gìn giữ và khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền, qua đó cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Ngoài ra, cần phải có sự liên kết, phối hợp trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư và Nhà nước nhằm mục đích nhân rộng những mô hình hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái cho người dân nơi đây.
HN