Đồ uống nói chung bao gồm bia, rượu, nước giải khát và đồ uống có cồn nói riêng là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa.
Từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, khách du lịch và nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới, nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành đồ uống vẫn luôn quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng phát triển bền vững. Các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam luôn ưu tiên và quan tâm dành một phần ngân sách đáng kể để tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí Môi trường – Xã hội và Quản trị minh bạch (ESG), thông qua các chiến dịch sản xuất xanh, nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ vấn đề an sinh, phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ môi trường và báo cáo minh bạch, theo xu hướng của thế giới, và cam kết của Việt Nam, có vai trò truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng các doanh nghiệp và xã hội.
Đặc biệt, trong thời gian đại dịch hoành hành từ cuối năm 2019, các doanh nghiệp ngành tích cực hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch như ủng hộ các trang thiết bị phòng, chống dịch, tích cực đóng góp vào quỹ vaccine quốc gia, chủ động bảo vệ người lao động phòng, chống dịch bệnh. Có doanh nghiệp đầu tư 10% ngân sách truyền thông (tương đương 16 tỷ) cho các hoạt động tuyên truyền uống có trách nhiệm; Bảo vệ hành tinh vì một Việt Nam tốt đẹp hơn: tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm 2.500 tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận năm 2018, và 100% nước thải từ các nhà máy được xử lý đạt và vượt chuẩn để trả về môi trường một cách an toàn. Có doanh nghiệp luôn hướng đến những sáng kiến và giải pháp bền vững nhằm củng cố thế mạnh công ty và đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, triển khai các sáng kiến về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) khác nhau thông qua 4 trụ cột phát triển bền vững bao gồm Tiêu thụ, Bảo tồn, Văn hóa và Đất nước, nhằm hỗ trợ các mục tiêu Quốc gia về Tăng trưởng Xanh trong giai đoạn 2021-2030…
Trước những thách thức, khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn nhà nước ổn định chính sách thuế TTĐB, tinh giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Thông qua Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” được tổ chức ngày 29 tháng 6 tại hà nội là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phát huy tốt vai trò truyền thông về ngành Đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển bền vững của ngành. Để ngành Đồ uống Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, có những chương trình ý nghĩa với cộng đồng thì rất cần sự ổn định về chính sách, sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, hiểu rõ hơn về ngành để cùng với các ngành kinh tế khác phục hồi và phát triển sau đại dịch và những khó khăn hiện nay.