Từ ngày 8-9/12 tại Hà Nội, Unilever Việt Nam cùng nhãn hàng Dove phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức khóa tập huấn cho các giáo viên về việc nâng cao sự tự tin về ngoại hình cho học sinh THCS. Đây là lần đầu tiên Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân – Dove Self-Esteem Project” được triển khai tại Việt Nam.
Với thông điệp xuyên suốt dự án Nâng cao nhận thức giá trị bản thân. Một cơ thể khỏe mạnh là một cơ thể có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt, có chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng và tập thể dục vừa phải. Cơ thể khỏe mạnh có ở tất cả các hình dáng và kích thước khác nhau và điều quan trọng là học sinh cần chăm sóc bản thân để có một cơ thể khỏe mạnh và đánh giá cao cơ thể mình bất kể ngoại hình như thế nào, vì ngoại hình lý tưởng không phản ánh bất cứ điều gì về sức khỏe của một cơ thể.
Buổi tập huấn có sự tham gia của các đại biểu đến từ Vụ Trung học – Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Unilever Việt Nam, nhãn hàng Dove, Trung tâm Giáo dục và Phát triển, cùng 50 đại diện Ban giám hiệu và giáo viên từ 5 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: THCS Bình Minh, THCS Cao Viên, THCS Nam Từ Liêm, THCS Dịch Vọng và THCS Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục.
Phát biểu tại sự kiện Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại – Tập đoàn Unilever Việt Nam: “Unilever luôn kiên định trên hành trình thúc đẩy bình đẳng giới, nuôi dưỡng sự tự tin và dựng xây một xã hội đa dạng và hòa nhập. Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân” khẳng định nỗ lực của chúng tôi trong việc khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tự tin tôn vinh vẻ đẹp cá nhân, thoát khỏi những định kiến giới tiêu cực và áp lực từ xã hội. Thông qua hoạt động của các nhãn hàng và nỗ lực hợp tác với các tổ chức chính phủ, xã hội và quốc tế, chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ bằng những thông điệp tích cực về niềm tin vào bản thân và các giá trị nội tại”
Theo GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) “Giáo dục sự tự tin về ngoại hình cho trẻ em là một nội dung rất thiết thực và phù hợp với mục tiêu tổng thể của chương trình GDPT mới. Chương trình này không chỉ cung cấp các bài giảng và hướng dẫn cho giáo viên về giáo dục nâng cao nhận thức giá trị bản thân cho học sinh mà còn góp phần nâng cao năng lực cho giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục 2018, thông qua các hoạt động giáo dục tích cực, sáng tạo trong nhà trường”.
Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho rằng “Để nâng cao được nhận thức của học sinh trước hết giáo viên phải là những người tiên phong mang lại sự thay đổi. Giáo viên chuyển tải các bài học một cách hiệu quả sẽ giúp học sinh tránh bàn luận hay quá tập trung vào ngoại hình, thay vào đó tập trung vào những phẩm chất và sở thích khác của bản thân, những điều làm cho mỗi cá nhân trở nên độc đáo, giúp các em trở nên tự tin hơn trong cuộc sống”.
Giáo dục sự tự tin về ngoại hình giúp trẻ em phát triển tốt hơn về mặt tâm lý, tăng cường khả năng giao tiếp và hợp tác, giảm thiểu nguy cơ bị bắt nạt trong trường học hoặc làm cho trẻ em tự ti không tham gia hoạt động, thậm chí không muốn tới trường. Đây cần là nhiệm vụ của cả gia đình và xã hội, để tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện cho trẻ em phát triển toàn diện Bà Tô Kim Liên cho hay.
Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân – Dove Self-Esteem Project” là một sáng kiến toàn cầu của Dove, được khởi xướng từ năm 2004, nhằm mục đích thúc đẩy sự tự tin, lòng tự trọng và nâng cao nhận thức về bản thân, đặc biệt là ở các cô gái trẻ. Dự án đã được thực hiện tại 153 quốc gia, tiếp cận được 94 triệu bạn trẻ thông qua các giáo viên, giảng viên, và các chuyên gia.
Tại Việt Nam, Dự án “Nâng cao nhận thức giá trị bản thân” (Dove Self-Esteem Project) được Unilever Việt Nam, nhãn hàng Dove phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) triển khai thí điểm từ tháng 9/2023 đến tháng 01/2024. Dự án đã xây dựng và Việt hóa bộ tài liệu mang tên “Tôi Tự Tin”, và chính thức khởi động thông qua 03 khóa tập huấn tiến hành trong tháng 12 năm 2023 dành cho 150 giáo viên nòng cốt từ 15 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Khánh Hòa và Sóc Trăng. Dự kiến trong giai đoạn thí điểm sẽ có 10.000 học sinh THCS trên địa bàn 3 tỉnh, thành trên được tập huấn bởi chương trình.
Mục tiêu của các khóa tập huấn nhằm giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ quản lý và các giáo viên để triển khai sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Tôi Tự Tin” trong nhà trường như một nguồn học liệu bổ sung cho các nội dung thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo khảo sát nhanh của CED với 426 học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội trong tháng 9 năm 2023, có tới 69% số học sinh từng bị người khác trêu chọc hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình, cụ thể, hơn 55% các em học sinh được khảo sát đã trải qua một vài lần, gần 14% số học sinh đã trải qua nhiều lần bị người khác trêu chọc hoặc bình luận. Theo khảo sát, các em thường bị trêu chọc về cân nặng, khuôn mặt và chiều cao.
Người hay đưa ra bình luận về ngoại hình nhất là bạn bè chiếm 55.6% (249), tiếp theo là bố mẹ 15.63% (70), người thân 13.4% (60), ông bà 6.9% (31), và một tỷ lệ ít là từ Thầy/Cô giáo, và Mạng xã hội.
Có 386 học sinh trả lời câu hỏi về sự tự tin vào ngoại hình, có 41 (10.6%) em cảm thấy không tự tin về ngoại hình và 116 (30.1%) em không chắc chắn về ngoại hình. Trong khi đó chỉ có 30 (7.8%) em rất tự tin, 69 (17.9%) em tự tin về ngoại hình và 130 (33.6%) em khá tự tin về ngoại hình.
Học sinh tham gia khảo sát cho rằng tác động của việc nhận xét và bàn luận về ngoại hình là khác nhau, Giảm tự tin là tác động mà các em cho rằng là lớn nhất 299 (33.7%), tiếp theo là Gây tổn thương tâm lý 291 (32.8%), Ảnh hưởng đến học tập và phát triển cá nhân 217 (24.5%).
Theo khảo sát nhanh của Viện viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững đầu năm 2023, 55% trong số 2000 phụ nữ Việt Nam từ 16 đến 40 tuổi không tự tin vào ngoại hình của mình, khuôn mặt và hình thể là hai yếu tố họ thấy thiếu tự tin nhất. Việt Nam là một quốc gia rất tiển bộ về bình đẳng giới nhưng phụ nữ Việt Nam vô hình chung vẫn bị đóng khung trong những khuôn mẫu về vẻ đẹp và vai trò của mình trong xã hội, điều này tạo ra một rào cản rất lớn đối với chính những người phụ nữ. Điều đáng lo ngại là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự tự ti này lại do chính người phụ nữ tự tạo ra, họ tự đánh giá thấp bản thân mình. Hậu quả gây ra bởi sự thiếu tự tin ở phụ nữ và các bé gái rất nghiêm trọng, 8 trong số 10 bé gái sẽ trốn tránh gặp gỡ gia đình, bạn bè; 7/10 bé gái thiếu tự tin khi nêu ý kiến bản thân; 7/10 bé gái áp dụng các biện pháp cải thiện sắc đẹp như nhịn ăn, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc vào việc chăm sóc sắc đẹp.
Theo một đánh giá của UNICEF năm 2018, có 8 – 29% trẻ vị thành niên Việt Nam mắc những vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, phần lớn nguyên nhân gây ra cũng bởi thiếu tự tin vào bản thân. Với tình trạng sức khỏe tinh thần không tốt, các bạn trẻ không thể phát huy toàn diện khả năng bản thân. Điều này đặt ra vai trò của thầy cô, nhà trường và gia đình trong việc nuôi dạy và thúc đẩy sự tự tin của trẻ.
Cứ 426 học sinh THCS: Tỷ lệ học sinh nữ tham gia khảo sát là hơn 49%, trong khi đó tỷ lệ nam là gần 46%, còn lại khoảng 5% số học sinh không muốn nêu cụ thể giới tính.
Cô Vũ Bích Phương THCS Dịch Vọng: “Sự tự tin rất quan trọng trong quá trình phát triển của các em, nếu như có sự tự tin các em sẽ dám thực hiện những ước mơ mình mong muốn, đặt ra những ước mơ lớn hơn so với mốc hiện tại nhưng nếu như không có sự tự tin có thể các em sẽ mất đi rất nhiều cơ hội. Chủ đề Tôi Tự Tin có thể áp dụng trong nhiều hoạt động ở nhà trường, đầu năm nhà trường thường có một khóa học hè để các em học sinh lớp 6 làm quen với môi trường học tập cấp 2, đưa chủ đề này vào trại hè rất phù hợp. Ngoài ra có nhiều môn học và chủ đề phù hợp với chương trình như môn Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 6 đến lớp 8, môn Khoa học lớp 8 chủ đề về cơ thể người,….”
Cô Hoàng Hồng Vân – Giáo viên trường Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục: “Sự tự tin ảnh hưởng rất lớn đến học tập và cuộc sống. Trong quá trình dạy học tôi nhận thấy những học sinh tự tin thì rất năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động của trường, thoải mái trình bày trước bạn bè, thầy cô, cũng có nhiều em thiếu tự tin, nếu mặt có mụn hay làm sao đó thì đeo khẩu trang cả ngày, có bạn cắt kiểu tóc mới nhưng không ưng thì sẽ đội mũ cả ngày, điều đó ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em, các em dấu mình trong tiết học, khi cô yêu cầu bỏ khẩu trang hoặc bỏ mũ thì các em tỏ ra sợ hãi, xấu hổ”.
Về phương pháp đào tạo:
Các phương pháp đào tạo tiên tiến theo cách tiếp cận hai chiều, ngược lại với giảng bài truyền thống sử dụng trong tài liệu được áp dụng và thực hành trong khóa tập huấn.
Sau khóa tập huấn, giáo viên sẽ tiến hành các tiết học tạo hứng thú cho học sinh, khuyến khích và hỗ trợ học sinh biết tự tìm hiểu thông tin thông qua các hoạt động, trò chơi, hoặc có thể khám phá thêm từ các bạn trong lớp và từ giáo viên thông qua thảo luận, chia sẻ. Từ đó các em nhận ra được giá trị của bản thân, phát huy được những điểm mạnh của bản thân, mỗi ngày các em sẽ sống tích cực và khỏe mạnh hơn.
Các bài học “Tôi Tự Tin” phù hợp với các nội dung giáo dục nâng cao nhận thức giá trị bản thân trong chương trình giáo dục 2018, chính vì thế có thể đưa vào khai thác trong các môn học và hoạt động giáo dục liên quan, ví dụ như môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; môn Ngữ văn, môn Giáo dục công dân.
Với Bộ tài liệu “Tôi Tự Tin”:
- Đây là những kiến thức hoàn toàn mới, lần đầu tiên được đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam. Bộ Tài liệu gồm 05 bài học, mỗi bài học gồm 03 phần: Hướng dẫn dành cho GV, Bài trình bày của HS, Phiếu hoạt động của HS.
- Bài 1: Ngoại hình lý tưởng, Bài 2: Thông điệp truyền thông, Bài 3: Đương đầu với sự so sánh, Bài 4: Gạt bỏ bàn luận về ngoại hình, Bài 5: Hãy là người mang lại sự thay đổi
- Các bài học giúp các em học sinh nâng cao lòng tự trọng và nhận ra các giá trị của bản thân, bất kể ngoại hình như thế nào, tuổi tác hay cân nặng, các em học sinh được tự do phát triển bản thân và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Các em được tự tán dương bản thân bất kể ngoại hình như thế nào và được trao quyền để tôn trọng và tôn vinh sự đa dạng xung quanh mình.
Dự án sẽ triển khai trên 3 tỉnh thành: Hà Nội, Khánh Hòa, Sóc Trăng
- THCS Bình Minh, THCS Cao Viên, THCS Nam Từ Liêm, THCS Dịch Vọng và THCS Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục
- THCS Thái Nguyên, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Nha Trang, THCS Âu Cơ, THCS Lương Thế Vinh, THCS Trần Quốc Toản
- THCS Phú Lộc, THCS Châu Văn Đơ, THCS Phường 1 (Ngã Năm), THCS Mỹ Xuyên, THCS TT Long Phú
Về Unilever và nhãn hàng Dove:
Tập đoàn đa quốc gia của Anh và Hà Lan, được thành lập vào năm 1929, hoạt động tại hơn 190 quốc gia, chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm…Hiện nay, sản phẩm của Unilever đã có mặt trên toàn thế giới, kể cả những quốc gia nghèo ở châu Á, châu Phi.
Dove là thương hiệu có uy tín toàn cầu với hơn 50 năm lịch sử, được hàng triệu khách hàng tin dùng trên hơn 100 quốc gia. Tại Việt Nam, Dove là Nhãn hiệu chăm sóc tóc hư tổn số 1. Dove tin rằng vẻ đẹp của phụ nữ nên là một điều đáng tự hào thay vì nỗi lo lắng. Do đó sứ mệnh của Dove là giúp cho thế hệ phụ nữ tiếp theo phát triển sự tự tin với vẻ bề ngoài của mình – giúp họ cảm thấy yêu bản thân hơn và nhận ra sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình.
Tìm hiểu thêm tại: https://www.unilever.com.vn/
Về Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES)
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động theo cơ chế tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhận sự và tài chính theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo; đào tạo tiến sĩ; tư vấn và chuyển giao công nghệ. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo sau đại học về Khoa học giáo dục, cung ứng dịch vụ tư vấn, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Tiếp tục phát triển nền Khoa học giáo dục Việt Nam; xây dựng những luận cứ khoa học đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản lý và quá trình dạy học trong các nhà trường; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chính sách và chương trình giáo dục cho tất cả các cấp học; đào tạo, bồi dưỡng sau đại học và cung ứng các dịch vụ tư vấn đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tìm hiểu thêm tại http://vnies.edu.vn/
Về Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED)
Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) là nơi tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, đào tạo và chuyên gia phát triển giàu kinh nghiệm, năng động, tận tâm với sự nghiệp giáo dục và phát triển tại Việt Nam. Các thành viên của CED đã có nhiều năm làm việc và cộng tác cùng nhau, cùng tiến hành các nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chương trình trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và lĩnh vực phát triển phục vụ nhu cầu đổi mới ngày càng nhanh tại Việt Nam. Chúng tôi thiết kế và thực hiện các dự án ở hai mảng hoạt động có liên quan và bổ sung hỗ trợ cho nhau là Giáo dục và Phát triển. Chúng tôi cộng tác với các đối tác ở cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo mang tính đột phá và sáng kiến mới trong lĩnh vực giáo dục và phát triển ở Việt Nam.
Tìm hiểu thêm tại http://ced.edu.vn/