Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đến ngành phân bón

Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Toạ đàm tham vấn ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đến ngành phân bón.

Tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp các phân tích về ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT – VAT) 5% đến ngành phân bón; hướng đến phục vụ thông tin cho đại biểu Quốc hội khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XV vào ngày 21/10/2024.

TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, việc đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế gia tăng mức 5%, hiện đang có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau, một quan điểm cho rằng, sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, sửa đổi thuế giá trị gia tăng sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp còn người nông dân thì sẽ phải chịu thiệt thòi.

“Khi thay đổi chính sách thuế giá trị gia tăng sẽ tác động chủ yếu đến 3 đối tượng gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng phân bón (nông dân). Do đó, cần phải phân tích nghiên cứu kỹ lưỡng xem ba đối tượng sẽ bị ảnh hưởng và lợi ích này có được hài hòa không? Hay bị xung đột?”, ông Ngọc lưu ý. Phân tích cụ thể hơn, ông Ngọc cho rằng khi áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% thay vì miễn thuế phân bón sẽ có nhiều lợi ích.

ts-phung-ha-pld-1729176031.jpg
TS. Phùng Hà – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Tại Việt Nam, nhu cầu phân bón hiện nay vào khoảng 10,5 – 11 triệu tấn các loại. Trong đó: urea khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn, DAP khoảng 0,9 đến 1 triệu tấn, SA 0,8 – 0,9 triệu tấn, Kali 0,9 – 1 triệu tấn, phân chứa lân các loại trên 1,2 triệu tấn, phân PK khoảng 3,5- 4 triệu tấn,…. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, năm 2022 cả nước có 790 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ hoặc do ngừng sản xuất hoặc do không đạt yêu cầu trong đó 261 cơ sở vô cơ, 161 hữu cơ, 308 vừa vô cơ vừa hữu cơ.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp… là những mặt hàng không chịu VAT, có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này tạo ra một số ảnh hưởng nhất định đối với ngành phân bón.

Thứ nhất, ảnh hưởng đối với sản xuất. Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón sụt giảm đáng kể. Ví dụ: Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, theo số liệu của PFCCCo, PVFCCo có khoản thuế GTGT đầu vào là 1.857 tỷ đồng (2016 là 284 tỷ; 2017 là 371 tỷ; 2018 là 518 tỷ; 2019 là 358 tỷ; 2020 là 326 tỷ) và phải hạch toán vào chi phí dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng.

Khi không được nhận lại thuế GTGT, doanh nghiệp sản xuất phân bón có 2 lựa chọn: Hoặc khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng hoặc điều chỉnh giá bán đầu ra khiến giá phân bón tới tay người tiêu dùng có thể tăng cao.

Thứ hai, ảnh hưởng đối với khả năng cạnh tranh. Khi áp dụng Luật 71, phân bón nhập khẩu sẽ không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thứ ba, ảnh hưởng đối với đầu tư sản xuất phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới. Khi áp dụng Luật 71, các doanh nghiệp sẽ không/đắn đo khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước nhất là các loại phân bón góp phần giảm khi phát thải nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu, do được hoàn thuế VAT cho nhà xưởng, thiết bị.

“Việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, nhìn một cách tổng thể đối với lợi ích xã hội sẽ góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…. Bên cạnh đó, bất kể một chính sách nào nói chung và thuế nói riêng có liên quan tới lợi ích của nhiều bên khó có thể mang lại lợi ích một lúc cho toàn bộ các bên, quan trọng là dựa trên lợi ích lâu dài, lợi ích tổng thể và khả năng của các cơ quan quản lý điều hòa lợi ích của các bên có liên quan” – TS. Phùng Hà kết luận.

Phân bón là ngành quan trọng đối với phát triển kinh tế Việt Nam, TS Nguyễn Thu Hằng nêu quan điểm, về chính sách thuế, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế: Thuế VAT, Thuế bảo vệ môi trường, Thuế xuất nhập khẩu, Thuế thu nhập doanh nghiệp. Song song với đó, khuyến khích phát triển và sử dụng các loại phân bón ít gây ảnh hưởng đến môi trường: phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển, hợp tác quốc tế về KHCN trong lĩnh vực phân bón để tiếp thu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm phân bón.

Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64-68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 – 11 triệu tấn các loại.

Năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 1,72 triệu tấn phân bón, đạt giá trị 1,1 tỷ USD; năm 2023 xuất khẩu 1,55 triệu tấn, kim ngạch đạt 649 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu 903 nghìn tấn phân bón các loại, tương đương 362 triệu USD.

Về nhập khẩu: năm 2022 Việt Nam nhập khẩu 3.39 triệu tấn, trị giá 1,62 tỷ USD phân bón các loại; năm 2023 nhập khẩu 4,12 triệu tấn, trị giá 1,41 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu 2,5 triệu tấn phân bón, kim ngạch hơn 838 triệu USD.

TS. Trần Thị Hồng Thủy, Chuyên gia của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) cho biết: “Khi được áp thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư, sửa chữa máy móc thiết bị, đầu tư công nghệ mới, xanh hóa sản xuất (thông thường thuế giá trị gia tăng đầu vào khoảng 10%”).

Toàn cảnh buổi Toạ đàm
Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Ông Lê Anh Tuấn – Kế toán trưởng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thông tin thêm, doanh nghiệp sản xuất trong nước vững mạnh, làm chủ thị trường sẽ giúp giá phân bón ổn định, không phụ thuộc vào nhập khẩu. “Trong giai đoạn Covid-19, khi nước ta đi ngoại giao vắc xin thì nước ngoài đến nước ta ngoại giao phân bón, đại sứ Hàn Quốc đến công ty xin mua đạm ure. Công ty có thể xuất khẩu với giá 1000 USD/tấn nhưng đã hạn chế xuất khẩu để phục vụ người nông dân trong nước, bình ổn giá bán. Như vậy là bà con nông dân được những điều không thể định lượng được. Doanh nghiệp càng phát triển, càng giảm được giá thành sản xuất phân bón sẽ giảm giá phân bón và người nông dân sẽ được lợi” – ông Lê Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Đình Cư kiến nghị, bên cạnh việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, các cơ quan nhà nước (Ngân sách nhà nước và Cơ quan thuế) cần tăng thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu, tăng cường quản lý thuế, tạo môi trường thuế bình đẳng, tăng khối lượng công việc để giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên.

Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa Luật 71/2014/QH13, phần liên quan đến phân bón: Chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: Áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.