Từ 50 tuổi, dáng dấp tuổi già bắt đầu in hằn lên cơ thể với các vấn đề sức khỏe. Lo lắng không thể giải quyết được gì mà chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng.
Chúng ta không thể tránh được lão hóa, nhưng có thể làm chậm quá trình này bằng nhiều biện pháp. Quan trọng hơn, điều chúng ta mong muốn không chỉ là sống thọ mà còn phải sống khỏe, sống vui và sống tích cực. Sau đây là các giải pháp để bậc lão niên có được cuộc sống an nhiên tuổi xế chiều.
Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục mỗi ngày là một hoạt động cực kỳ quan trọng. Tập thể dục hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong đối với mọi căn bệnh liên quan đến lão hóa. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp kiểm soát huyết áp, cân bằng cholesterol, đường huyết, độ nhớt máu và giảm nguy cơ bùng phát các biến chứng bệnh nguy hiểm.
Lợi ích của việc vận động đến từ những quá trình sinh học tức thời sau mỗi lần vận động, nhưng nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Do đó, cần tập thể dục mỗi ngày để duy trì những lợi ích này lâu hơn. Đi bộ nhanh sẽ hạn chế tăng lượng mỡ trong máu sau ăn. Vận động nhẹ nhàng hằng ngày cũng rất tốt cho cơ thể người lớn tuổi.
Quan tâm đến giấc ngủ
Ngủ là quãng thời gian quan trọng để cơ thể thư giãn, hồi phục, tái tạo, thay thế mô – tế bào tổn thương hay đã mất. Giấc ngủ tốt sẽ giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nâng cao khả năng miễn dịch và chống lại chứng trầm cảm,… Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhất là với các cụ cao tuổi. Ngủ đủ giấc và ngon sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và nguy cơ tử vong liên quan đến tiến trình lão hóa.
Ngủ không đủ giấc dễ gây ra mệt mỏi, dễ dẫn đến bệnh tim, cao huyết áp… Ngoài ra, ngủ không đủ còn dễ dẫn đến tình trạng stress, có thể gây lo âu, trầm cảm. Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp cơ thể hồi phục về nhiều mặt.
Để có được giấc ngủ ngon, chúng ta cần áp dụng các bí quyết sau:
Tránh các chất gây kích thích như cà phê, nước tăng lực, thuốc lá, thức uống có cồn,… hoặc những bữa ăn thịnh soạn vào ban đêm.
Tập thể dục thường xuyên, nên tránh tập quá sức và tập vào lúc đêm muộn.
Dành thời gian thư giãn trước khi ngủ.
Thiết lập riêng khu vực chỉ dùng để ngủ, không ăn uống, xem tivi hay làm việc ở khu vực này.
Ngủ điều độ, đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
Phòng ngủ cần yên tĩnh, ánh sáng dịu nhẹ, ấm áp. Nhiệt độ và độ ẩm phòng ngủ ở mức vừa phải, dễ chịu.
Duy trì cân nặng hợp lý
Ở người cao tuổi, do khối cơ và tốc độ trao đổi chất giảm, đồng thời tăng quá trình tích mỡ, nên có thể xuất hiện tình trạng thừa cân. Thừa cân quá mức có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe. Giữ được cân nặng thích hợp là góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
Sống lạc quan
Ai cũng phải già đi, nhưng quá trình lão hóa phụ thuộc rất nhiều vào thái độ sống của mỗi người. Suy nghĩ tích cực và có cái nhìn lạc quan về tuổi tác, sẽ tạo ảnh hưởng tốt đến tuổi thọ.
Thái độ tích cực, lạc quan giúp người lớn tuổi giảm stress, mau phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tích cực lên hệ miễn dịch và các chức năng não bộ. Thế nên, chăm sóc sức khỏe cho bậc cao niên, không chỉ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể chất, mà còn phải chú ý đến tâm thế, tinh thần của họ.
Có thể áp dụng những phương pháp sau để có lối sống tích cực
Thư giãn: Dành một khoảng thời gian để thư giãn mỗi ngày.
Tập trung tâm trí và nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, không nên suy nghĩ tiêu cực.
Tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, giải trí; giữ liên lạc và kết nối với bạn bè, người thân.
Bên cạnh rèn luyện thể lực thường xuyên, sống lạc quan và tích cực, người cao tuổi cũng cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, phòng chống bệnh tật. Điều quan trọng là bữa ăn hằng ngày phải đa dạng thực phẩm, đủ và hợp lý các thành phần dưỡng chất. Bên cạnh đó, khẩu phần của họ có thể kết hợp thêm các sản phẩm bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như sử dụng các loại sữa chuyên biệt, tăng cường dinh dưỡng.