Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan cùng nền nhiệt tăng sốc kỷ lục ở Việt Nam. Để ứng phó với điều này, TS.KTS.NCVCC Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đã có cuộc chia sẻ với độc giả về những giải pháp kiến trúc xanh.
Cần các giải pháp thiết kế tích hợp
Chào Tiến sĩ! Gần đây chúng ta nhắc rất nhiều đến kiến trúc xanh. Về khoa học, kiến trúc xanh là gì thưa Tiến sĩ?
Nhiều người cứ tranh luận Kiến trúc xanh (KTX) và công trình xanh là khác nhau. Theo ý kiến cá nhân tôi thì công trình xanh là công trình áp dụng các giải pháp kiến trúc xanh; kiến trúc xanh là kiến trúc làm ít ảnh hưởng nhất đến môi trường sinh thái trong suốt quá trình hoạt động của nó. KTX trước hết là kiến trúc thích ứng vi khí hậu của từng khu vực, địa phương; sau đó mới áp dụng đến các giải pháp tiên tiến để công trình thêm bền vững chứ không áp dụng các giải pháp công nghệ tùy tiện.
KTX ngoài việc ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng giúp giảm thiểu ảnh hưởng và tác động xấu của công trình lên môi trường từ lúc thi công cho tới quá trình vận hành khai thác trong suốt vòng đời. Vì tác động trong suốt vòng đời lên khí hậu mới là quan trọng. Ngoài ra, KTX cũng nhằm tạo tiện nghi nhiệt cho con người trong quá trình sử dụng khai thác. Để đạt được KTX cần áp dụng các giải pháp thiết kế tích hợp, giảm thiểu nhu cầu sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên tiêu thụ.
Biến đổi khí hậu trong đó có vấn đề Trái Đất nóng lên đang rất được dư luận quan tâm. Với vai trò quản lý quy hoạch kiến trúc và đô thị, Tiến sĩ có nhận định thế nào về tầm quan trọng của quy hoạch đô thị trong ứng phó với biến đổi khí hậu?
Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh nhất của biến đối khí hậu. Phát triển đô thị xanh chính là một giải pháp nhằm ứng phó với biến đối khí hậu. Một mặt, phát triển đô thị xanh nhằm giảm phát thải ra môi trường, tạo môi trường sống xanh cho con người và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Mặt khác, phát triển đô thị xanh là phương thức phát triển mới, tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Đô thị xanh vừa tạo ra cơ hội phát triển thông qua việc phát triển kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ và cung cấp dịch vụ đô thị vừa nâng cao năng lực sản xuất, giảm tiêu thụ tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra thị trường cho các sản phẩm xanh.
Nhiều người phàn nàn các đô thị Việt Nam có không ít công trình cao tầng kém “xanh” phá vỡ cảnh quan và góp phần làm khí hậu nóng lên. Tiến sĩ có ý kiến gì về nhận xét này?
Một số khu đô thị ở TP Hà Nội và TPHCM được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể được gọi là đô thị xanh.
Trong quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị hiện nay chưa thực sự quan tâm đến thích ứng khí hậu. Đặc biệt, các đô thị mới với nhiều công trình cao tầng không được xem xét trong tổng thể khu vực, trong các đô thị mới tận dụng đất xây cao, mật độ xây dựng cao khiến các công trình cao tầng che chắn hướng gió của nhau, căn hộ về phía hướng nắng… Có sự nhầm lẫn về giải pháp kiến trúc xanh với sơn màu xanh lá cây, phủ cỏ trồng cây trên mái; sử dụng vật liệu kính tại các hướng nắng; khoảng cách giữa các toà nhà không hợp lý; bề mặt hướng gió chính, hướng gió tự nhiên không được tận dụng; sử dụng quá công suất điều hòa… làm biến đổi vi khí hậu khu vực. Đó là thực tế vẫn đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.
Có thể giảm tới 50% chi phí vận hành
Việt Nam đang hướng tới KTX, ứng dụng công nghệ xanh trong xây dựng. Cụ thể đó là gì thưa Tiến sĩ?
Công nghệ xanh trong xây dựng đang được các kiến trúc sư Việt Nam áp dụng ngày một nhiều hơn. Đó là sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, các vật liệu cho lớp vỏ đạt và vượt lên QCVN09:2017/BXD như kính có hệ số SHGC (tỷ lệ năng lượng mặt trời xâm nhập thấp), tường cách nhiệt, gạch ko nung, mái cách nhiệt với lớp polystyrene…; áp dụng đèn tiết kiệm năng lượng LED và các giải pháp điều khiển chiếu sáng cảm biến; thiết kế lộ điện phù hợp để bật tắt các line đèn gần cửa sổ không cần thiết; đưa quạt trần vào trong không gian để giảm tải điều hòa không khí; sử dụng điều hòa không khí có hệ số hiệu quả năng lượng (COP) cao; các thiết bị tiêu thụ điện thấp… Nhấn mạnh rằng quan trọng nhất là các giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu.
Có nhiều người nói về hệ thống Chứng nhận Công trình xanh (như LOTUS, LEED, Green Mark…), tuy nhiên, theo tôi công trình xanh cần phải áp dụng giải pháp thiết kế khí hậu sinh học Bioclimatic design – làm mát thụ động trước, sau đó mới tính đến các yếu tố khác. Đây là yếu tố then chốt mà gần đây các tổ chức đang hướng tới.
Vậy lời khuyên về ứng dụng KTX cho nhà chung cư, nhà liền kề đô thị của Tiến sĩ là gì?Nhà ở chung cư khi thiết kế cần quan tâm đến sử dụng kính cản nhiệt Low-e, sử dụng hệ nan chắn nắng, dùng năng lượng pin mặt trời làm nóng nước sinh hoạt, dùng công nghệ lọc sạch không khí, dùng gạch chống nóng cho tường bao… Thiết kế các mặt nhà ở các hướng có lợi về nắng, gió, tích hợp các giải pháp chống bức xạ mặt trời truyền nhiệt vào tường bao và cửa sổ để căn hộ giảm nóng bức mùa hè. Mặt đứng các tòa nhà dù ở hướng bất lợi hay thuận lợi về nắng gió đều phải chú ý đến việc cách nhiệt cho tường bao, thông gió xuyên phòng trong các căn hộ. Không gian xanh cần được tính toán thiết kế như một thành phần của tòa nhà, căn hộ. Đối với nhà ở thấp tầng cần chọn hướng công trình tối ưu; hình dạng công trình tối ưu; sơ đồ bố trí mặt bằng tối ưu; kết cấu bao che tối ưu. Các bạn có thể tham khảo tài liệu “Hướng dẫn thiết kế nhà ở riêng lẻ theo tiêu chí kiến trúc xanh tại Hà Nội” – tác giả TS.KTS Lê Thị Bích Thuận.
Có ý kiến cho rằng, giải pháp thì đã có nhưng vấn đề quan trọng là giá thành. Nếu ứng dụng những giải pháp nêu ra, giá thành đầu tư cho một ngôi nhà sẽ rất cao, khó khả thi với đa số người dân?
Nếu áp dụng giải pháp thiết kế tích hợp từ đầu, quan tâm đến các giải pháp thiết kế kiến trúc thích ứng khí hậu Việt Nam thì trong một số chi phí tăng thêm là 0% hoặc rất ít do chúng ta tiết kiệm được các chi phí về tiết kiệm điện, đầu tư điều hòa không khí, thông gió… do giảm được tải lạnh của công trình một cách tối đa. Tuy nhiên, cần sự nỗ lực phối hợp của một tập thể, đặc biệt là chủ đầu tư và các nhà tư vấn thiết kế. Điều này các bạn có thể không tin nhưng trong quá trình tư vấn thiết kế năng lượng, chúng tôi đã chứng minh điều này là đúng! Với thiết kế năng lượng hiệu quả công trình có thể không tăng chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt còn có thể giảm chi phí vận hành 20-50%.
50% là một con số không nhỏ. Điều đó có thể sao?
Hoàn toàn thực tế. Ví dụ, một công trình thiết kế kiến trúc tốt lớp vỏ, sử dụng điều hoà tiết kiệm điện high COP (hệ số hiệu quả năng lượng cao), đèn Led… sẽ giảm chi phí đầu tư điều hoà do giảm tải lạnh. Thiết kế này có thể tiết kiệm điện đến 35% so với mô hình cơ sở, 20 – 25% so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD. Một số công trình cỡ nhỏ còn có thể giảm đến 50% so với mô hình thông thường do có áp dụng tấm pin năng lượng mặt trời, địa nhiệt và hệ thống sàn lạnh CCA, kính tiết kiệm năng lượng, che nắng, thông gió…
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Tuyết Vân