Chuyện kỳ thú về cây Đầu Gành

Tại xứ Non Trọc (nay là thôn Trà Tây, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có một cây hiện hữu tại nơi này rất lâu, kể từ khi những người miền Bắc đầu tiên di cư vào đây. Dân địa phương thường gọi cây này là cây Đầu Gành, Việt Nam gọi cây Găng neo (tên khoa học (Manilkala hexandra)thuộc họ Sến

Cây Đầu Gành ở Trà Tây thân gồ ghề, nhiều sống lược lớn chìa ra nơi gốc, đường kính thân tại gốc hơn 4 mét, chu vi 14 mét, thân trồi lên mặt đất 5 mét, toả nhiều nhánh lớn phủ bóng hơn một sào đất (hơn 1000 mét vuông). Chiều cao tổng thể của cây độ 25-30 mét. Bộ rễ toả rộng, nổi lên chiếm khu đất 500 mét vuông, rất sung mãn nuôi cây trường tồn.

Theo truyền thuyết, cách đây 1000 năm, chung quanh cây Đầu Gành là một dòng sông bao bọc. Do vị thế cây đứng bên gành ( ghềnh ) mé một đồi trọc ( Gò Trại ngày nay ) nơi xứ Non Trọc nên dân chúng đặt tên cây Đầu Gành.( Đứng đầu làng bên gành )

Trên 200 năm trước, từ vị trí cây Đầu Gành hướng về phía Tây Nam khoảng 800 mét, có một địa danh gọi là Bàu Đồng Ngoài. Bàu Đồng Ngoài có dòng nước lưu chảy xuống phía chánh nam, dân chúng đắp một bờ đê để ngăn không cho nước mặn thâm nhập vào đồng lúa đang canh tác, gọi là Cống Sơn cách cây Đầu Gành 400m. Từ đó dòng nước chảy kết nối với Đập Ông Bình và sông Gò Rớ (dòng sông gần bên gò) chưa đầy 1km, bao quanh Đầm Sát nước mặn khoảng 300 ha.

Hiện nay, “biển hoá nương dâu”, Bàu Đồng Ngoài chỉ còn tên gọi, Cống Sơn bây giờ bê tông hoá, đập Ông Bình và sông Gò Rớ chỉ còn con rạch nhỏ, Đầm Sát hoá thành đồng lúa phì nhiêu trở thành mạch sống của dân cư. Vậy, chúng ta xác định cây cổ thụ đứng đầu làng bên đồi trọc ( xứ Non Trọc ) sát mé sông nên dân chúng đặt tên là cây Đầu Gành. Như thế, cuộc đời vật đổi sao dời khiến cảnh vật thay đổi dị thường một cách khôn lường, ngoài sức tưởng tượng của con người.

Nhưng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cây Đầu Gành vẫn sừng sững càng xanh tươi đâm chồi, trổ lộc giữa sương sa bão táp, che chở dân lành, khơi nguồn văn hoá tâm linh cho bao thế hệ.

Thôn Trà Tây, nơi cây Đầu Gành tọa lạc, dân làng thường tổ chức cúng tế lễ hội đầu năm, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10/3. Cách đây 4 năm, bà con sinh sống nơi xa kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ hội “ ĐẦU GÀNH ĐẤT TỔ” lần thứ 1, với sự tham gia gần 20 văn nghệ sĩ miền Nam như : Danh Ca Ngọc Sơn , MC Thanh Bạch, ngôi sao ca nhạc Ngô Quốc Linh…Thôn Trà Tây có tổng cộng hơn 300 hộ dân, nhưng có đến 30 người đi xuất gia học phật, đa số thành đạt, 98% là người dân theo phật giáo. Có lẽ nhờ sự hiện diện của cây cổ thụ Đầu Gành mới có địa linh sinh khí như vậy.

Cách đây 40 năm, ông Phan Nghiêm 90 tuổi cao niên nhất trong làng chia sẻ, thời còn nhỏ ông có hỏi cha là ông Phan Văn Tư cha thấy cây Đầu Gành có từ lúc nào, thì cha ông cho biết khi còn nhỏ chăn trâu đã thấy cây Đầu Gành lớn như đời cụ Phan Nghiêm thấy.

Trong thôn Trà Tây có ông Phan Tam trước khi đi tập kết ra Bắc đã thấy nhành cây Đầu Gành khô. Thế nhưng, 21 năm sau ông trở về thăm lại vẫn thấy cành khô đó. Điều này chứng tỏ Đầu Gành là loài cây chậm phát triển nên thịt của thân cây chắc cứng, tuổi thọ rất lâu bền. Theo một tư liệu truyền miệng, cây Đầu Gành có mặt trên 700 năm nay tại xứ Non Trọc thôn Trà Tây rồi.

Được biết, hiện nay tại Vườn Quốc Gia ( VQG ) Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang chọn cây mẹ lấy hạt giống loài cây Đầu Gành hay cách gọi phổ biến là Găng neo để nhân giống cây con phục vụ cho công tác trồng rừng bảo tồn loài cây này. Các nhà khoa học đã khảo sát tổng số 116 cây Găng neo, chọn ra được 52 cây dự tuyển, trong đó có 11 cây đặc điểm khá hơn. Sau khi dựa trên đặc điểm, phẩm chất sinh trưởng, các nhà khoa học chọn lọc được 7 cây mẹ làm cây giống lấy hạt. Việc bảo tồn loài cây Găng neo tại VQG Côn Đảo là cần thiết, vì đây loài thảo mộc quý hiếm có trong danh sách đỏ để bảo tồn và phát triển.

Cây cổ thụ Đầu Gành ở Trà Tây là chỗ dựa và phát huy văn hoá tâm linh, tỏa bóng mát chở che cho dân lành khi nắng hè gay gắt, cũng là chốn nghỉ chân người dân quang gánh đường xa. Nó là cội nguồn phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, là muôn đời ngự trị nét đẹp trong bao thế hệ.là những linh ứng kỳ bí quanh cây Đầu Gành. Hy vọng của toàn dân trong thôn Trà Tây là cây Đầu Gành sẽ trở thành cây Di sản Quốc gia.

Nhuận Tâm- Như Không