Lễ trao giải cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2024

Chiều 10/10, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024. Có 90 sản phẩm đạt giải Cuộc thi với 6 giải Nhất, 18 giải Nhì, 24 giải Ba, 42 giải Khuyến khích cho sáu nhóm sản phẩm.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các tổ chức, cá nhân đạt giải

Tới dự có ông Dương Quốc Trịnh – Phó Cục trưởng Cục Công địa phương, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ông Trịnh Quốc Đạt – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực làng nghề và các nghệ nhân thợ giỏi trong các làng nghề.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát huy ý tưởng sáng tạo, thiết kế ra các mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương tổ chức Cuộc thi Thiết kế Mẫu sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2024. Với chủ đề “Thiết kế sáng tạo – hội tụ tinh hoa”, cuộc thi kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10/2024.

Hà Nội hiện là nơi hội tụ của 290 nghệ nhân lành nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực như gốm sứ, dệt lụa, mây tre đan, vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai và thêu ren. Trong số này, có 13 nghệ nhân được vinh danh là “Nghệ nhân Nhân dân” và 42 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thủ đô.

Hiện nay, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường và thiếu tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Một trong những nguyên nhân chính là sự chậm đổi mới về mẫu mã sản phẩm. Nhiều sản phẩm thiết kế còn thiếu tính sáng tạo, dập khuôn theo các mẫu có sẵn hoặc chỉ làm theo yêu cầu khách hàng, dẫn đến giá trị nghệ thuật cao nhưng thiếu tính thương mại, không phù hợp với thị hiếu hoặc khó sản xuất hàng loạt.

Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội là sự kiện hằng năm. Năm nay, thu hút 183 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân tham gia dự thi với tổng số 423 sản phẩm/bộ sản phẩm. Các sản phẩm dự thi được chia thành 6 nhóm chính: gốm sứ, sơn mài, mây tre đan, khảm trai, thêu ren và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.

Những sản phẩm được chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội, nhưng cũng sáng tạo dựa trên nền tảng tinh hoa của từng nghề thủ công lâu đời. Nhiều sản phẩm còn kết hợp sáng tạo từ nhiều chất liệu và ứng dụng công nghệ mới, mang hơi thở hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn nhưng vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ cao.

Các sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ thúc đẩy gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giải quyết và tạo nhiều việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, chưa có tính cạnh tranh nội trội so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Một trong các nguyên nhân chính là việc mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới, còn dập khuôn các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc làm theo mẫu do khách hàng đặt, ý tưởng thiết kế chưa xuất phát từ nhu cầu của từng thị trường.

Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi sáng tác mẫu đẹp về mỹ thuật nhưng thiếu tính thương mại, không phù hợp với thị hiếu khách hàng hoặc khó sản xuất đáp ứng các đơn hàng lớn, còn có sản phẩm đơn giản giá trị thấp.

Do đó, Cuộc thi là giải pháp thiết thực nhằm cổ vũ, thúc đẩy phong trào thiết kế, sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhằm hỗ trợ các cơ sở đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế

Cuộc thi cũng góp phần tạo môi trường để các tác giả tham gia giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hoàng Nhung