Những năm gần đây, vi nhựa đã được tìm thấy trong nhiều bộ phận cơ thể người, từ não, tim, phổi đến sữa mẹ, nhau thai và cả trong tinh dịch.
Những năm gần đây, vi nhựa đã được tìm thấy trong nhiều bộ phận cơ thể người, từ não, tim, phổi đến sữa mẹ, nhau thai và cả trong tinh dịch.Mỗi năm, hàng triệu tấn rác nhựa trôi ra biển, phân hủy thành những mảnh nhỏ và bị động vật hoang dã ăn phải. Ảnh: Picture Alliance.
Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện lượng vi nhựa thu thập từ khám nghiệm tử thi trong 6 tháng đầu năm nay tăng đáng kể so với 8 năm trước.
Theo giáo sư Matthew Campen, khoa Dược phẩm, Đại học New Mexico (Mỹ), nồng độ vi nhựa ở người từ 45 đến 50 tuổi là 4.800 µg/gr, tương đương với 0,5% trọng lượng bộ não. So với các mẫu khám nghiệm từ năm 2016, con số này cao hơn khoảng 50%.
“Điều này thật sự đáng báo động. Có nhiều nhựa trong não người hơn so với tôi tưởng tượng”, GS Campen nói.
Không chỉ não, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa và nano nhựa trong tim, phổi, mạch máu, sữa mẹ, nhau thai và cả trong tinh dịch nam giới.
Mối nguy lớn
Khi rác thải nhựa được tập kết tại bãi rác hoặc thải ra biển, chúng sẽ phân hủy rất chậm. Ánh sáng mặt trời và sóng biển khiến bề mặt nhựa trở nên giòn và dễ gãy, các hạt nhựa từ đó dễ dàng tràn ra môi trường.
Các hạt nhựa thường có kích thước rất nhỏ, dưới 5 mm đối với vi nhựa và dưới 0,001 mm đối với nano nhựa. Loại nhỏ nhất chỉ có thể được phát hiện bằng các thiết bị khoa học đặc biệt.
Polyethylene, được sử dụng trong túi nhựa, màng nhựa, chai nhựa và không phân hủy sinh học, là loại nhựa chủ yếu được tìm thấy trong các mẫu mô trong cơ thể.
Theo thống kê của Defend our Health, một nhóm vận động vì môi trường thu thập, việc sản xuất nhiều dạng polyethylene khác nhau có thể khiến môi trường phải hứng chịu rất nhiều chất thải dung môi 1,4-dioxane, một chất có khả năng gây ung thư cho con người.
Năm 2023, Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) đã công bố báo cáo cho biết sức khỏe của các công nhân sản xuất nhựa đang xấu dần. Tình trạng tương tự cũng được bắt gặp ở các cư dân có nguồn nước uống bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy nhựa PET.
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa rõ cách thức vi nhựa và nano nhựa xâm nhập vào bên trong các sinh vật sống, kể cả con người. Tuy nhiên, chúng có thể đi qua ruột từ thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm các hạt nhựa nhỏ. Một con đường khác có thể kể đến là hít vào hoặc hấp thụ qua da.
Sau khi xâm nhập vào từng tế bào và mô ở các cơ quan quan trọng, nhựa nano có khả năng làm gián đoạn các quá trình của tế bào và tích tụ các hóa chất gây rối loạn nội tiết.
Theo Hiệp hội Nội tiết Mỹ, các chất này ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của con người, dẫn đến dị tật ở bộ phận sinh dục và sinh sản cũng như vô sinh ở nữ giới, làm giảm số lượng tinh trùng ở đàn ông.
Vi nhựa đã có mặt ở mọi nơi
“Không còn nơi nào trên Trái Đất mà không có vi nhựa, từ biển sâu đến bầu khí quyển cho đến bộ não con người”, bà Bethanie Carney Almroth, nhà độc chất sinh thái tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển), cho biết.
Theo bà Almroth, việc phát hiện ra vi nhựa ngày càng nhiều trong các cơ quan của con người là điều đáng báo động.Các hạt vi nhựa trong bụi khí quyển. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ.
Mặc cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố chưa có bằng chứng cho thấy vi nhựa trong thực phẩm gây hại cho sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu cho rằng mọi người nên cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với nhựa để đảm bảo sức khỏe.
Một số cách được gợi ý là giảm sử dụng nhựa khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là khi dùng lò vi sóng; hạn chế uống nước đóng chai; dọn dẹp thường xuyên, tránh để bụi tích tụ. Một số nhà nghiên cứu cũng khuyên hạn chế ăn các sản phẩm, thực phẩm chế biến sẵn.
Liên Hợp Quốc cũng đang nỗ lực đưa ra một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào năm 2024, với các biện pháp như hạn chế hóa chất nguy hiểm và nhựa khó tái chế.
Nói về quy mô của cuộc khủng hoảng nhựa đang diễn ra, ông Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc bộ phận Công nghiệp và Kinh tế tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho nhận định đây “mối lo ngại rất lớn”.
“Chúng ta cần chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Chúng tôi muốn hỗ trợ điều đó thông qua việc tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, tất cả vật dụng từ nhựa đều được tái sử dụng, tái chế và được quản lý có trách nhiệm trong và sau khi sử dụng”, bà Virginia Janssens, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương mại nhựa châu Âu, phát biểu.