Nhiều tác động từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Theo các chuyên gia, việc đánh thuế đồ uống cần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khốn cùng; cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế… 

Toàn cảnh hội thảo

Theo đó Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế suất đối với rượu, bia. Theo đó, đến năm 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90-100%, còn dưới 20 độ ở mức 60-70%.

Hiện, Việt Nam áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 11 nhóm mặt hàng đa dạng từ thuốc lá, xì-gà, các loại rượu bia, ô tô dưới 24 chỗ, xăng và sản phẩm chế biến từ xăng, điều hòa nhiệt độ dưới 90.000 BTU, bài lá, vàng mã, xe máy trên 125cm3, tàu bay đến du thuyền. Từ khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành năm 2008, đã có 4 lần sửa đổi nhằm thúc đẩy tiết kiệm nguồn lực, bảo vệ môi trường, và điều chỉnh thu nhập xã hội, góp phần củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngày 8/8/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”. Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận và phản ánh ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.

Ngành đồ uống có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ/năm và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp hướng tới một ngành đồ uống trách nhiệm và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách hạn chế… khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các doanh nghiệp phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch , Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA)

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, theo số liệu được Oxford Economic đưa ra, ngành bia đóng góp 555 tỷ USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỉ đô la tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019.

Còn theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương trực thuộc Bộ Công thương, mặc dù ngành Bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo tính toán, cứ 1 công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ.


Theo Chủ tịch VBA, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một cú sốc đối với các doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp đã đang khó lại còn khó hơn.

Tác động gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm… đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay đang còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học. Do đó, chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn này.

 TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc 

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước). Với tác động của luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về trung và dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tác động tăng hay giảm thu thuế cho ngân sách là chưa rõ ràng.

Đồng tình với ông Cấn Văn Lực, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục, có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.

Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia, do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt 

Bà Cúc đề xuất, cần cân nhắc nghiên cứu kỹ về tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế cao, nhanh đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng. Nên xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn. Ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm.

Liên quan tới vấn nạn rượu, bia bất hợp pháp tại Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho biết khoảng 63% lượng rượu tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý. Đây chủ yếu là rượu thủ công do dân tự nấu, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Tình trạng này không những gây lo ngại về sức khỏe người sử dụng mà còn gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, tạo gánh nặng cho các cơ quan giám sát thực thi pháp luật.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý 153 vụ liên quan đến mặt hàng rượu với số tiền xử phạt 1,5 tỉ đồng và 38 vụ liên quan đến mặt hàng bia với số tiền xử phạt 587 triệu đồng.

“Đây thực sự là con số rất nhỏ so với thực tế”, vị Phó cục trưởng nhận định.

Ông Lê cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tiêu biểu như sự chênh lệch lớn về thuế giữa rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp, chi phí tuân thủ hay xu hướng chấp nhận các sản phẩm bất hợp pháp của người tiêu dùng do thu nhập thấp, nhận thức kém, thông tin không rõ ràng, bị hấp dẫn do quảng cáo, xu hướng sính hàng ngoại xách tay.