Sắp diễn ra Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”

Ngày 1/1/2025 sắp tới tại Hà Nội, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phối hợp với các đối tác tổ chức khai mạc Triển lãm “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”. Triển lãm chính thức ra mắt công chúng từ trung tuần tháng 11/2024 tại Thừa thiên- Huế và nội dung trưng bầy được tiếp tục giới thiệu với công chúng Hà Nội trong không khí chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.

Triển lãm khai mạc nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2024), kỷ niệm 111 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914-1/1/2025), 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1959-2024) và 60 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường miền Nam với trọng trách Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo tuyến đầu đánh Mỹ xâm lược (1964-2024).

Sắp diễn ra Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”- Ảnh 1.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam tham dự Hội nghị Mặt Trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Người trong ảnh: Hàng ghế thứ nhất: từ trái qua phải, gồm: Đồng chí Phan Văn Đáng (tức Hai Văn), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt Trận dân tộc giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh). Hàng ghế thứ 2: Bà Nguyễn Thị Định (tức Ba Định), Phó Tư lệnh Quân giải phóng

Đúng 65 năm trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với lời phát biểu đanh thép “Vì hòa bình mà đánh” (Hội nghị TW15, tháng 12/1959) và sau đó là những những đóng góp đặc biệt quan trọng về lý luận và thực tiễn của đồng chí trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam, trở thành một trong những nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Đảng hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến lược giành thắng lợi trong cuộc “đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ xâm lược. Tiếp nối truyền thống và khát vọng của thế hệ đi trước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- người con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành cả cuộc đời mình tận hiến cho lý tưởng hòa bình cao đẹp. Nhân dân và bạn bè quốc tế khắc ghi hình ảnh về ông- một nhà ngoại giao quốc phòng xuất sắc trong triển khai đường lối của Đảng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, một con người có tầm nhìn về chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, vì tiếng gọi hòa bình.

Sắp diễn ra Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”- Ảnh 2.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các cán bộ xem xét bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum, cuối năm 1964. Từ trái qua: Đồng chí Tùng-Giao liên Trung ương Cục, đồng chí Tám Trần –Thư ký, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Chiến – bảo vệ.

Trong định hướng hoạt động của mình, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mong muốn xây dựng những hoạt động văn hóa xã hội dựa trên định hướng bảo tồn di sản văn hóa và ký ức lịch sử. Việc kết nối đông đảo các đối tượng xã hội cùng tham gia buổi gặp mặt, tọa đàm trong sự kiện thường niên “NGÀY KÝ ỨC LỊCH SỬ – 1 THÁNG 1” (gọi tắt là “Ngày ký ức”) là dịp để các cá nhân, gia đình, dòng họ, các tổ chức và cộng đồng xã hội có cái nhìn rõ nét hơn về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, cùng chung tay gắn kết trong các hoạt động bảo quản, lưu giữ những tài liệu quý giá phục vụ tích cực cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu chính trị, văn hóa, lịch sử… của dân tộc.

Sắp diễn ra Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”- Ảnh 3.
Đồng chí Trần Văn Trà (tức Tư Chi), Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trao đổi với Đại tướng.
Sắp diễn ra Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”- Ảnh 4.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang đọc sách tại căn cứ Chiến khu C, khoảng năm 1966.

Trong tầm nhìn xa hơn, ý nghĩa của sự kiện “NGÀY KÝ ỨC LỊCH SỬ 1/1” có thể trở thành một nguồn cảm hứng chung để lan tỏa tới đông đảo các tổ chức xã hội, các địa phương trên toàn quốc, trở thành hoạt động thiết thực, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước.

Hoàng Nhung