Từ khoảnh khắc xuất thần của cá nhân tới sự chuyển mình của tổ chức

Ngày 18/3, Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức Tọa đàm Đổi mới sáng tạo: “Từ khoảnh khắc xuất thần của cá nhân tới sự chuyển mình của tổ chức” trong khuôn khổ Chương trình Thạc sỹ Quốc tế – IMD@NEU, hợp tác giữa Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học UWE Bristol (Anh).

Toàn cảnh Tọa đàm Đổi mới sáng tạo: “Từ khoảnh khắc xuất thần của cá nhân tới sự chuyển mình của tổ chức”

Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh gay gắt, sáng tạo không chỉ là lợi thế mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bên vững của tổ chức. Nhận thức rõ vai trò quan trọng này, Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã tổ chức tọa đàm Đổi mới Sáng tạo với chủ đề: “Từ khoảnh khắc xuất thần của cá nhân tới sự chuyển mình của tổ chức”.

GS Nancy Napier, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tại Boise State University (Hoa Kỳ) chia sẻ tại Tọa đàm.

Theo GS. Nancy Napier, chuyên gia về đổi mới sáng tạo từ Boise State University (Hoa Kỳ), khoảnh khắc “xuất thần” (Aha! Moment) là những lúc một ý tưởng mới bất chợt xuất hiện trong tâm trí con người. Tuy nhiên, những khoảnh khắc này không tự nhiên mà có được; chúng là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm, thử nghiệm và tác động của nhiều yếu tố môi trường.

Các chuyên gia tại Tọa đàm

Việc nhận diện và ứng dụng những khoảnh khắc “xuất thần” này không chỉ quan trọng đối với cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến sự đổi mới của tổ chức. Khi các doanh nghiệp biết cách khai thác những khoảnh khắc này, chúng có thể trở thành động lực thúc đẩy những bước chuyển mình lớn, góp phần tạo ra những bước tiến mang tính cạnh tranh và bên vững.

Về mặt sinh học, khoảnh khắc sáng tạo chính là kết quả của một quá trình tích lũy và xử lý thông tin trong não bộ. Khi các mảnh ghép tưởng chừng như rời rạc bỗng nhiên kết nổi lại với nhau, chúng kích hoạt các vùng khác nhau trong não, tạo nên một “Aha! Moment” đột phá – và từ đó, giải pháp, cách thức, hoặc tư duy mới ra đời.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ

Một quá trình dẫn đến một khoảnh khắc – đó là sáng tạo của cá nhân. Còn của tổ chức thì ngược lại: một khoảnh khắc xuất thần có thể trở thành khởi đầu cho một hành trình đổi mới. Đổi mới trong tổ chức không phải ngày một ngày hai, mà là kết quả của việc thử nghiệm, đào tạo và triển khai những ý tưởng đột phá. Quá trình đó diễn ra như thế nào? Làm sao để khoảnh khắc sáng tạo của cá nhân không chỉ lóe sáng rồi vụt tắt?

Ông Lê Quốc Vinh đúc kết những điều kiện để tạo ra khoảnh khắc xuất thần, đồng thời giới thiệu mô hình chiến lược Big Ideas – phương pháp biến những khoảnh khắc sáng tạo của một hoặc nhóm cá nhân thành ý tưởng tổng thể cho sự đổi mới của tổ chức. Khoảnh khắc xuất thần không chỉ là một tia sáng vụt qua – nó có thể trở thành động lực thay đổi cả một tổ chức. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi tổ chức biết cách nuôi dưỡng sáng tạo, thử nghiệm táo bạo và dám chấp nhận thay đổi.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để duy trì đổi mới là xây dựng một môi trường sáng tạo. Doanh nghiệp cần khuyến khích nhân viên đặt câu hỏi, đề xuất ý tưởng và quan trọng hơn cả là không sợ thất bại. Mọi sáng tạo đều bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ, và nếu tổ chức không chấp nhận rủi ro, họ cũng sẽ bỏ lỡ những cơ hội đổi mới quan trọng.

PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Tọa đàm.

Theo PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp muốn tạo thêm giá trị gia tăng thì phải ứng dụng được các công nghệ mới, phải liên tục đổi mới sáng tạo và thay đổi cách thức vận hành. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

PGS.TS Lê Trung Thành nhấn mạnh, Tọa đàm Đổi mới sáng tạo: “Từ khoảnh khắc xuất thần của cá nhân tới sự chuyển mình của tổ chức” nhằm nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo của từng cá nhân, đóng góp vào sự sáng tạo của tổ chức (doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước). Từ đó, giúp các tổ chức phát triển nhanh hơn nữa, tạo ra những giá trị mới và đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.